Tia UVA và UVB đều có thể gây nên những tác hại cho làn da và mắt của bạn nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai loại tia này cũng khá lớn. Cùng phân biệt tia cực tím, tia UV, UVA và UVB qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Tia UV, UVA, UVB là gì?
Trước tiên, ta cần nắm được khái niệm bức xạ điện từ hay sóng điện từ. Bức xạ điện từ được hiểu là điện từ trường lan truyền trong không gian, cụ thể là trong môi trường rắn, lỏng, khí và chân không; sóng điện từ là sóng ngang và mang năng lượng. Sóng điện từ gồm 7 loại là sóng radio, vi ba, tia hồng ngoại, ánh sáng, tia tử ngoại, tia X và tia gamma.
Tia tử ngoại, hay tia UV và tia cực tím, là một dạng bức xạ điện từ có bước sóng từ 10nm – 380nm. Sở dĩ có tên gọi tia cực tím là bởi cực tím có nghĩa là trên cả tím – màu sắc có bước sóng ngắn nhất có thể nhìn thấy được; nghĩa là bằng mắt thường không thể nhìn thấy tia UV. Chỉ có một số loại động vật như chim, bò sát hay côn trùng mới có khả năng nhìn thấy tia cực tím ngắn.
Tia cực tím có nhiều nhất trong ánh nắng mặt trời
*** Xem thêm: Tia UV là gì, có những tác động tích cực và tiêu cực tới sức khỏe ra sao?
Tia UV lại được chia làm 3 loại là tia UVA, UVB và UVC.
- Tia UVA có bước sóng từ 380nm – 315nm, hay còn gọi là tia UV gần hoặc ánh sáng đen.
- Tia UVB có bước sóng từ 315nm – 280nm, hay còn gọi là tia UV trung bình.
- Và tia UVC có bước sóng từ 280 – 180nm, hay còn gọi là tia UV xa.
Mặt trời là một nguồn tỏa ra tia cực tím lớn nhất. Trong lượng tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, UVA chiếm 9.5%, UVB chiếm 0.5% và UVC chiếm rất ít và không thể xuyên qua tầng ozone trên bầu khí quyển.
Một số nguồn khác có thể tạo ra tia UV là đèn tiệt trùng, đèn hơi thủy ngân, đèn halogen, đèn huỳnh quang, công cụ làm da rám nắng…
2. Phân biệt tia UVA và UVB
UVA và UVB đều là 2 loại tia cực tím. Tuy nhiên, chúng có sự khác nhau cơ bản như sau:
-
Tia UVA
Tia UVA có bước sóng từ 380nm – 315nm, chiếm phần lớn nhất trong ánh nắng mặt trời. Với bước sóng xa như vậy, tia UVA có thể xuyên qua cả cửa kính, quần áo và ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể. Khi xâm nhập vào tầng hạ bì của da, tia UVA có thể khiến da bị sạm, nám, phá hủy collagen khiến da nhăn nheo, nhanh lão hóa.
-
Tia UVB
Tia UVB có bước sóng ngắn hơn, từ 315nm – 280nm và cũng chiếm tỉ lệ ít hơn so với tia UVA trong bức xạ mặt trời. Tầng ozone trên bầu khí quyển cũng đã phần nào giảm được ảnh hưởng của loại tia này. Với bước sóng nhỏ hơn, tia UVB không thể xuyên qua cửa kính.
Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với tia UVB lâu ngày, da vẫn có thể gặp các vấn đề như khô nứt, sạm, nám, tàn nhang, đồi mồi… Đặc biệt, tia UVB còn gây ảnh hưởng đến lớp đáy tầng biểu bì, khiến chúng bị tổn thương, lâu ngày tạo ra các khối u và ung thư da.
Như vậy, dù ít phổ biến và dễ dàng tránh hơn tia UVA nhưng tia UVB lại để lại ảnh hưởng nặng nề hơn cho làn da và sức khỏe của con người.
Cũng cần lưu ý rằng, ngay cả khi trời râm thì tia cực tím vẫn có thể ảnh hưởng đến cơ thể bởi chúng có thể xuyên qua các đám mây.
Tia UVA và UVB đều có thể gây hại tới làn da
3. Cách phòng tránh tia UV
Cách phòng tránh tác hại của tia tử ngoại hiệu quả nhất là thoa kem chống nắng có chỉ số phù hợp mỗi khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chỉ số PA càng có nhiều dấu + thì khả năng chặn tia UVA càng cao.
Chỉ số SPF càng cao thì có nghĩa là khả năng ngăn chặn tia UVB càng lớn. Như vậy, với nhu cầu sử dụng hàng ngày, bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số tối thiểu là SPF 30 và PA+++.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh ra ngoài đường trong khoảng thời gian từ 9h – 14h, bởi đó là thời điểm ánh nắng mặt trời gay gắt nhất, chứa nhiều tia cực tím gây hại.
Như vậy về bản chất, tia UVA và UVB đều là tia cực tím, có thể gây hại cho mắt và da nhưng mức độ sẽ khác nhau. Hãy biết cách tự bảo vệ mình mỗi khi ra ngoài để tránh tối đa sự tác động của tia UV đến cơ thể.