Top 7 bộ phim hay về nỗi cô đơn  – Nỗi cô đơn tồn tại ở nhiều dạng thức, và với mỗi người, nó lại là một câu chuyện khác nhau.

Nhiều sinh viên ngành Cao Đẳng Y Dược suốt ngày than ế, cô đơn trên mạng xã hội? Cô đơn có thể là khi bạn chưa tìm được ai đó dành riêng cho mình. Cô đơn là khi bạn ở cạnh người bạn yêu – nhưng mối quan hệ đã nhạt nhòa đến mức cả hai chẳng còn là chỗ dựa của nhau nữa. Cô đơn là khi bạn không có ai thân thích, không một người nương tựa, là cảm giác chạy trốn cuộc đời nhưng chỉ mong một ai đó tìm thấy. Cô đơn là khi bạn nhận ra mình đã đánh mất một người mình yêu vô cùng, và chỉ có thể cùng nhau trải qua 1 tuổi trẻ chứ không phải cả 1 đời…

Những phim này mình đều rất thích, nên phim nào mình cũng viết khá kĩ. Có phim kể về nỗi cô đơn, có phim khiến mình cảm thấy cô đơn  List vô đây để bạn nào hợp phim nào có thể xem thử nhé ^^ Đây mới là phần 1 thui ạ, vì viết nhiều buồn quá nên sẽ up tiếp Part2 sau. Ai có gợi ý nào về phim cô đơn có thể chia sẻ với thirdtext nhé!

1. Her

Nhắc đến nỗi cô đơn không thể bỏ qua Her, tác phẩm trữ tình ngọt ngào và lãng đãng của Spike Jonze. Thế giới của Her rất có thể sẽ là tương lai của chúng ta sau này, khi công nghệ đã trở nên cực kì hiện đại – và lẽ dĩ nhiên, con người trở nên phụ thuộc khá nhiều vào sự hiện đại ấy.

Phim xoay quanh Theodore, một người viết thư – và 1 hệ điều hành máy tính mà anh đã trò chuyện mang tên Samantha. Anh đã sử dụng hệ điều hành này như một cách để khuây khỏa nỗi buồn, sau 1 năm li dị vợ (mà đến hiện tại, những kí ức về người vợ cũ Catherina vẫn luôn trở đi trở lại trong anh). Dẫu là người cực kì nhạy cảm, tâm lý, bay bổng, thể hiện rất rõ trong những lá thư thuê mà anh viết, thế nhưng có lẽ sự thấu hiểu đầy tinh tế đó vẫn ko giúp anh giữ được người mình yêu. Spike Jonze không đi quá sâu vào câu chuyện giữa anh với vợ cũ, nhưng những cảnh lồng ghép trong suốt chiều dài phim về quá khứ hạnh phúc của hai người, những khoảnh khắc tột cùng của yêu đương đủ khiến người xem biết rằng họ đã từng hạnh phúc đến thế nào, và hiểu được vì sao Theodore hụt hẫng đến như vậy khi vuột mất đi tình yêu mà mình đã từng kì vọng gìn giữ.

Theodore u sầu, buồn bã, tìm đến thế giới ảo trong những đêm mất ngủ, cho đến khi gặp Samantha – cái tên ngẫu nhiên mà hệ điều hành OS chọn lựa. Ban đầu đó chỉ là một giọng nữ với trí thông minh được cấy vào nhằm giao tiếp với chủ sở hữu của nó như một người bạn. Nhưng càng ngày, Samantha càng hoàn thiện mình, tăng sự hiểu biết, tăng cả cảm xúc, để dần dần có sự độc lập trong suy nghĩ, có cá tính riêng rất gần với một con người hoàn chỉnh ngoài việc thiếu một cơ thể thực sự.

Samantha trở thành một người bạn ảo nhưng rất thật, vì cô thực sự chia sẻ với Theodore về mọi điều trong cuộc sống. Họ nói chuyện vui vẻ, họ quan tâm đến nhau, và rồi, như một lẽ tự nhiên, họ yêu nhau lúc nào không biết… Sự gần gũi đó không chỉ về mặt tinh thần, họ còn mong muốn được gần gũi nhau về thể xác như 2 người thực sự, dù Samantha không hề tồn tại… Sự kì lạ của mối quan hệ được đưa đẩy đến cao trào cũng là lúc ranh giới giữa thực và ảo bị xóa nhòa.

Và cũng chính khi Theodore cảm thấy mình thực sự tìm được tình yêu trở lại, nồng nhiệt hơn và vui vẻ hơn với cuộc đời, thì cũng là lúc anh bước chân vào một bi kịch của sự tổn thương đầy hụt hẫng. Bởi dẫu có những khoảnh khắc ranh giới ấy bị lu mờ đi, thì thực vẫn là thực – và ảo vẫn là ảo. Liệu tình yêu ấy có thể đi đến đâu – khi Samantha vẫn chỉ là một hệ điều hành không hơn không kém? Và tình yêu ấy vụn vỡ đến thế nào, khi Theodore nhận ra Samantha đang nói chuyện cùng lúc với 600 con người, rất có thể là 1 trong những chàng trai mà anh vô tình gặp trên đường – cũng đang lầm bầm với chiếc máy trên tay mà cười một mình.. Tình yêu sẽ là gì, khi ta không phải là duy nhất với người ta yêu? Sự cô đơn, vì thế cũng được đẩy đến tận cùng. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất, cũng lại chính là bắt đầu của những nỗi đau.

Dẫu sao, tình yêu vẫn luôn thuần khiết và chân thành – dù dành cho ai, và dù ta yêu trong hoàn cảnh nào. Chỉ mong ta hãy mở rộng lòng, để đừng nhấn chìm mãi trong nỗi cô đơn.

2. Lost in Translation 

Nếu bạn từng hoang mang lạc lối và khao khát được tìm thấy, Lost in Translation là một phim hoàn hảo dành cho bạn, với cách kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế và đầy nữ tính của đạo diễn nữ Sofia Coppola.

Lost in Translation bắt đầu khi Bob Harris, ngôi sao điện ảnh gần hết thời, sang Tokyo quay quảng cáo cho một hãng rượu. Tại đây, ông gặp người phụ nữ trẻ đã kết hôn là Charlotte, đi theo chồng trongchuyến công tác. Cả hai đều cảm thấy cô đơn và lạc lõng ở Tokyo, và ở 1 khía cạnh nào đó, họ đều đang có những xáo trộn, thậm chí là khủng hoảng của riêng mình: Bob thì là khủng hoảng tuổi trung niên, khủng hoảng khi những hào quang xung quanh mình đang dần vụt tắt – cả sự nghiệp, cả hôn nhân đều nguội lạnh; còn Charlotte thì là 1 cô gái vừa tốt nghiệp, đang loay hoay chưa biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Một câu thoại mà Charlotte hay nói, đó là “I’m not sure”. Cô không chắc từ những việc rất nhỏ, không biết mình muốn uống gì, không biết nên thử cắm hoa nghệ thuật hay không, và có lẽ cũng ko biết người mình đã chọn kết hôn có phù hợp không, khi anh cứ bỏ cô ở 1 thành phố xa lạ để chạy theo những ngôi sao hào nhoáng. 

Thật ra Tokyo không phải lý do chính khiến họ bị lạc lối, đó chỉ là một cái cớ mà thôi. Cả hai người đã hoang mang ngay từ trước khi đến với thành phố này rồi. Chỉ là khi đến Tokyo, những xung đột về văn hóa và bất đồng trong ngôn ngữ càng khiến sự cô đơn, lạc lõng của họ được đẩy lên cao trào.

Nhân vật của Scarlett thường xuyên ngồi ngắm nhìn thành phố qua những ô cửa kính. Tokyo vừa yên tĩnh lại vừa sôi động, nhưng trong khi tất cả đang hối hả dịch chuyển, Charlotte vẫn chỉ lặng lẽ ngồi im, không biết phải làm gì, không biết nơi đâu thuộc về mình. Cô chỉ có thể ngắm nhìn mọi vật, chứ không thể chạm tay cũng không thể sở hữu điều gì. Ngay cả khi Bob và Charlotte ngồi cạnh nhau, bên quầy bar hay ở hành lang phòng hát karaoke, những câu chuyện rời rạc và làn khói nghi ngút từ điếu thuốc hờ hững trên tay Charlotte… Tất cả đều nói lên nỗi buồn những kẻ bị lạc. Họ chưa thực sự hiểu nhau, và cũng không rõ – ở thời điểm ấy, họ có thực sự mong muốn chạm vào người còn lại hay không nữa.

Cảnh kết phim cho đến bây giờ vẫn là một sự thắc mắc đối với nhiều khán giả, thậm chí đối với cả đoàn làm phim. Không ai biết lúc đó hai người đã nói với nhau điều gì, cũng chẳng ai biết sau đó, họ có còn tìm gặp nhau nữa hay không… Có lẽ nó là một kết thúc mở, để mỗi người xem có 1 sự lựa chọn cho riêng mình.

Vì nhịp phim khá chậm nên với những người không hợp, phim sẽ khiến bạn cảm thấy hơi nặng nề và buồn tẻ một chút. Nhưng mình tin rằng với những người hiểu được cảm giác cô đơn ấy, phim sẽ đem tới cho bạn 1 sự đồng cảm tuyệt vời.

3. Lar and the real girl
Phim xoay quanh Lars, một anh chàng cô đơn, sống khép kín, tách biệt với xã hội bên ngoài cùng mối quan hệ đặc biệt và tình yêu anh dành cho cô búp bê tình dục mang tên Bianca. Dù cô đơn, nhưng trong sâu thẳm, Lars là một chàng trai thực sự ấm áp, tốt bụng. Dẫu tình cảm của anh thật kì quái, và căn bệnh hoang tưởng của Lars càng lúc càng nghiêm trọng nhưng những người xung quanh vẫn cố gắng giúp anh bằng cách đối xử với Bianca như một người thật bình thường, và nỗ lực giúp Lars quay trở lại với những sự giao tiếp thường nhật.

Ryan Gosling đã thoát khỏi cái bóng của một chàng trai lãng mạn hào hoa ở “The Notebook”, một người thầy đầy những bí mật u ám trong “Half Nelson” để vào vai Lars Lindstrom, một chàng trai trẻ nhút nhát, sợ giao tiếp với thế giới bên ngoài, sợ cảm giác đụng chạm với người khác kể từ sau cái chết của cha mẹ. Chính diễn xuất tài tình của Ryan Gosling cùng cách kể chuyện giản dị của phim đã khiến người xem tin vào nỗi cô đơn của Lars, tin vào sự tồn tại của Bianca, tin rằng tình yêu thương và lòng tin của con người có thể hàn gắn những vết thương sâu thẳm trong tâm hồn.

4. “Blue Valentine”

Ryan Gosling là 1 trong những nam diễn viên mình ngưỡng mộ nhất, và phim của Ryan có 1 đặc điểm là thường mang nỗi cô đơn đầy day dứt. Từ “Half Nelson”, “Lars and the Real girl”, “Drive” hay cả “Lala land”, khuôn mặt anh đem đến một cảm giác trầm mặc khó tả, và câu chuyện trong các phim cũng đều khiến ta cảm thấy tiếc nuối vô cùng.

“Blue Valentine” cũng là 1 phim không thể bỏ qua nếu bạn muốn được buồn 1 chút và gặm nhấm về nỗi cô đơn, đặc biệt là nỗi cô đơn khi ở trong 1 mối quan hệ đã nhạt nhòa. 

Nếu như tình yêu là những cung bậc cảm xúc thật đẹp và trong trẻo, thì có vẻ như bước vào hôn nhân, rất nhiều điều không còn được như ban đầu nữa. Họ đã từng yêu nhau bằng tất cả sự hồn nhiên sôi nổi của tuổi trẻ, họ đã từng gạt bỏ mọi lỗi lầm của người còn lại để đến với nhau, họ đã từng vì nhau mà điên dại, vì nhau mà cố gắng… nhưng rồi đến 1 thời điểm, tất cả chỉ còn là quá khứ mà thôi. Vì người ta chẳng còn mộng mơ được nữa khi hiện thực gõ cửa. Nhất là khi một người vẫn muốn bay bổng, còn 1 người đã quá mỏi mệt để phụ họa theo.

Đạo diễn Derek Cianfrance dựng bộ phim thành những lát cắt, những cảnh quá khứ đan vào những cảnh hiện tại đầy đối lập: tình yêu sôi nổi ở quá khứ và sự mỏi mệt ở hiện tại, sự lãng mạn của ngày xưa với sự hờ hững hời hợt lúc bây giờ, sự cảm thông lúc đang yêu cùng những trận cãi vã liên miên chỉ vì những điều nhỏ nhặt khi đã kết hôn…

Phim cô đơn vô cùng, và cũng trần trụi vô cùng, vì có lẽ, đó là những điều ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Chỉ có điều, có người đủ sức nắm tay nhau đi qua, có người thì đành ngậm ngùi bỏ cuộc.

5. Chúng ta của ngày đó

Phim xoay quanh Tiểu Hiểu và Kiến Thanh, 2 người cùng quê tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu về quê ăn Tết. Từ đó, họ trở thành bạn thân và thường xuyên giúp đỡ nhau trong cuộc sống, với chung 1 giấc mơ: ở lại Bắc Kinh lập nghiệp. Trải qua rất nhiều chuyện, cuối cùng họ cũng nhận ra tình cảm của nhau và ở bên cạnh nhau. Nhưng tình yêu thật trắc trở khi cuộc sống không êm đềm. Cái nghèo dẫn đến sự thiếu thốn, sự sốt ruột về sự nghiệp khiến cho lòng tự ái của chàng trai tăng cao, cả sự trẻ con trong những quyết định khiến cho họ không dám cùng nhau đi đến tận cùng. Một trong những cảnh khiến mình buồn nhất, là khi Kiến Thanh chạy theo Tiểu Hiểu và kịp đi đến ga tàu điện ngầm. 2 người, 1 người đứng ngoài tàu, 1 người đứng trên tàu, nhìn nhau trong một sự mông lung và nỗi buồn vô hạn. Cánh cửa tàu từ từ đóng lại, người trên tàu không bước xuống, người dưới sân ga cũng chẳng bước chân lên. Và đó là lần đầu tiên họ xa nhau. 

Tiểu Hiểu từng nói: Nếu Kiến Thanh đủ bản lĩnh bước lên trên tàu ngày hôm ấy, cô sẽ bên anh đến trọn đời.
Nhưng rất tiếc, ở thời điểm ấy, Lâm Kiến Thanh chưa đủ chín chắn và tự tin để đưa ra bất cứ một quyết định nào.

Phim được làm rất tỉ mỉ và tinh tế ở những chi tiết nhỏ. Nó khiến bạn dễ đồng cảm với câu chuyện của 2 nhân vật chính và cũng dễ liên tưởng đến câu chuyện của bản thân mình. Phim cũng khá thú vị khi để hình ảnh hiện tại là đen trắng còn quá khứ lại là màu sắc, có lẽ bởi như game mà Kiến Thanh thiết kế: nếu nam chính không tìm được nữ chính để nói lời xin lỗi, thế giới của game sẽ không có sắc màu.

Cho đến mãi sau này, khi họ tình cờ gặp lại trên một chuyến bay, không phải về quê, mà là về Bắc Kinh ăn Tết. Liệu sau từng ấy năm, tình cảm của họ ngày nào có được nối lại? Hãy xem phim để có cho riêng mình những khoảnh khắc thật đẹp, và có cho riêng mình những xúc cảm thật trong lành, luyến tiếc về tình yêu và tuổi trẻ.

Phim không về nỗi cô đơn 1 cách trực tiếp, nhưng mình tin, khi không có nhau ở bên cạnh, họ đều cảm thấy cô đơn rất nhiều. Cũng giống như mình và bạn thôi, nếu không thể ở bên 1 người mình yêu thực lòng, mọi điều còn lại có lẽ đều thật trống trải, vô nghĩa.

6. “In the mood for love”

Tớ tin rằng nếu hỏi nhiều người, đâu là bộ phim tình cảm buồn bã nhất, day dứt nhất với họ, thì sẽ có kha khá câu trả lời lựa chọn “In the mood for love” của đạo diễn Vương Gia Vệ. Đối với cá nhân tớ thì đây cũng là phim mà tớ thích nhất của vị đạo diễn nổi tiếng này.

Phim là một bản tình ca buồn, với tiết tấu chậm rãi, tỉ mỉ và trau chuốt, được thể hiện dưới nét diễn xuất tinh tế đến hoàn hảo của Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ. Lấy bối cảnh Hồng Kong năm 1962, khi xã hội còn nhiều bất cập và cuộc sống còn nhiều khó khăn, Vương Gia Vệ đã tái hiện những nét rất đẹp về tình yêu và tình thương giữa người với người. Câu chuyện giữa 2 nhân vật chính éo le vô cùng, khi họ phát hiện ra bạn đời của mình đang lén lút hẹn hò với nhau. Để rồi dần dần, chính sự cô đơn cùng những đồng điệu trong tâm hồn đã kéo họ lại gần hơn lúc nào không biết. Nhưng cái hay của “In the mood for love”, là mọi thứ dường như chỉ dừng lại ở “tâm trạng” mà thôi, khi sự tiết chế của cả 2 đều rất lớn, và tình cảm của họ chưa bao giờ đi quá 1 cái ôm hay 1 cái nắm tay. Những âm thầm giấu kín bên trong họ, là điều khiến người xem cũng nghẹn ngào nghĩ về những lời chưa nói trong cuộc đời, nghĩ về những bí mật mà mỗi chúng ta đều đang cất giấu.


Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh và giai điệu lặp đi lặp lại một cách ám ảnh: dáng đi tuyệt diệu của nàng Tô Lệ Trân huyền thoại trong những chiếc xường xám bó chặt, đẹp đến nao lòng; khói thuốc dày đặc của Châu Mộ Văn như cố che đi những tâm tư giấu kín trong anh; những bậc cầu thang cũ kĩ; và cả những tiếng chuông điện thoại đổ dồn mà chẳng ai nhấc máy…. Nó khiến người xem như lạc vào 1 thế giới khác: mộng mơ, huyền bí, đẹp đẽ mà đầy luyến lưu, tiếc nuối.

Đối với Vương Gia Vệ, Hồng Kong đẹp nhất vào những năm 1960, và ông làm “In the mood for love” cũng chính là gửi đến giai đoạn đẹp nhất ấy, như 1 cách để lưu giữ lại thời dĩ vãng sẽ không bao giờ quay về.
Phim sẽ rất hợp xem vào 1 ngày mưa, và có lẽ sẽ càng hợp hơn nếu bạn đang buồn .

7. Catch me if u can

Có lẽ đây là một phim khá lạ trong list phim cô đơn, bởi nếu như những phim còn lại đều thuộc thể loại Tâm lý/Tình cảm, thì Catch me if u can là một phim đầy hồi hộp, kịch tính thuộc dòng phim Tiểu sử/Tội phạm, được đạo diễn bởi nhà làm phim lừng danh Steven Spielbgerg.

Dựa trên cuộc đời có thật của “thiên tài lừa đảo” trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ – Frank Abagnale (Leonardo DiCaprio thủ vai), Catch Me If You Can đã tái hiện lại hành trình lừa đảo của cậu thiếu niên này, song song đó là hành trình lần theo dấu vết Frank của nhân viên FBI Carl Hanratty (Tom Hanks).

Lấy bối cảnh New York năm 1963, cuộc đời hạnh phúc bình lặng của cậu bé 16 tuổi Frank Abagnale bỗng rẽ sang một hướng khác khi cha mẹ cậu li dị sau khi cha cậu làm ăn thất bát. Sụp đổ và hoảng loạn, Frank bỏ nhà ra đi , bắt đầu cuộc đời của một “thiên tài lừa đảo” và trải qua rất nhiều những khoảnh khắc huy hoàng mà có lẽ ai cũng từng mong ước. Frank hăng hái trong cuộc hành trình hóa thân thành nhiều nhân vật được trọng vọng, Frank đã từng đi đến đỉnh cao của tiền tài, địa vị, nhưng dường như trong sâu thẳm, cậu trai trẻ vẫn mong muốn có ai đó biết mình thật sự là ai giữa hàng trăm những lớp vỏ bọc. Dù liên tục thay đổi thân phận và không ngừng chạy trốn sự truy đuổi của cảnh sát, nhưng hơn một lần, Frank đã từng khao khát có ai đó tìm ra mình, ai đó kéo cậu đứng dậy khỏi cái vũng cô đơn mà cậu ngày càng sa lầy. Đó là khi Frank gọi điện cho Carl – viên cảnh sát đang điên cuồng truy bắt cậu vào đêm Giáng Sinh chỉ vì cậu không còn ai để gọi điện nữa. Frank thậm chí đã để lại địa chỉ thật sự nơi cậu đang ở cho Carl nhưng tất nhiên viên cảnh sát không tin tưởng cậu. Frank cũng khao khát có một người nào đó yêu thương mình trong rất nhiều cô gái đang sẵn sàng phủ phục trước mặt cậu ở ngoài kia, nhưng thậm chí không một cô gái nào thèm quan tâm đến cái tên thật sự của cậu. Điều cuối cùng Frank có vẫn chỉ là những đêm Giáng sinh đơn độc. Cảnh khiến mình buồn nhất, là lúc Frank cố chạy trốn khỏi FBI, chỉ để chạy tới trước cửa ngôi nhà mà mẹ mình đang sống hạnh phúc với người đàn ông mới, nhìn nụ cười hạnh phúc của mẹ sau lớp kính cửa sổ, và nhận ra đó là giấc mơ mình sẽ chẳng bao giờ có được trong đời…

Frank tìm Carl có lẽ cũng bởi Carl là người duy nhất trên đời còn quan tâm đến cậu, dù cách quan tâm đó hơi “ngược đời” là tìm kiếm và truy bắt cậu. Và ở khía cạnh còn lại, Carl cũng cô đơn vô cùng khi anh là một người đàn ông đánh đổi mọi thứ cho sự nghiệp, khi rất lâu rồi, anh thậm chí còn không biết con mình đã lớn đến đâu và trông như thế nào. Có lẽ chính sự cô đơn, đã khiến họ trở thành những người bạn tốt đến mãi sau này.

Một bộ phim hồi hộp, hài hước, tinh tế, nhưng cũng vô cùng cảm động và nhân văn! Một bộ phim sẽ khiến bạn phải suy nghĩ khá nhiều, và mong rằng, ngoài kia, không còn những “Frank” như thế, không còn những cậu trai cô gái trẻ tuổi cô đơn và hoang mang giữa cuộc đời…

4.7/5 - (6 bình chọn)